HealthViet - Phình bóc tách động mạch chủ ngực nếu không phẫu thuật có thể diễn tiến tử vong hơn 50% trong 48 giờ đầu, 90% trong một tháng.
"Đây là thương tổn bệnh lý nghiêm trọng của hệ động mạch chủ, gây hệ lụy đến nhiều cơ quan, suy đa tạng. Nếu phẫu thuật kịp thời, tỷ lệ tử vong vẫn gần 10%", TS.BS Bùi Minh Thành, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nói tại hội nghị khoa học thường niên của bệnh viện, ngày 3/8. Trước đây, tỷ lệ tử vong của phẫu thuật phình bóc tách động mạch chủ ngực khoảng 30%, hiện giảm dần nhờ tiến bộ của y học.
Động mạch chủ ngực xuất phát từ tim, là động mạch lớn nhất của cơ thể, đưa máu từ tim đi nuôi hầu hết các cơ quan. Diễn tiến của phình bóc tách động mạch chủ ngực rất nhanh chóng và thất thường, khởi phát đột ngột. Đa số bóc tách xảy ra do những cơn tăng huyết áp hoặc tăng áp lực trong lồng ngực đột ngột.
Bệnh gây những thương tổn trầm trọng. Nếu bóc tách vào mạch vành sẽ gây thiếu máu cơ tim, bệnh nhân tử vong trong bối cảnh nhồi máu cơ tim. Bóc tách vào các động mạch nuôi não sẽ gây thiếu máu não, đột quỵ nhồi máu não. Bóc tách lan xuống dưới có thể làm thiếu máu tưới các nội tạng, gây suy gan cấp, tổn thương thận cấp, hoại tử ruột... Bóc tách xuống chân gây hoại tử chi, bệnh nhân dễ nhiễm trùng, nhiễm độc rồi tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Phình bóc tách động mạch chủ ngực thường gặp ở người trên 50 tuổi. Các yếu tố nguy cơ bao gồm tăng huyết áp, mắc bệnh lý xơ vữa động mạch, tiền sử gia đình có người thân hoặc bố mẹ bị phình bóc tách, có chấn thương ngực trước đây. Bệnh cũng có thể gặp ở người trẻ tuổi hơn, mắc các bệnh lý nhiễm trùng như giang mai, nhiễm trùng máu, bệnh lý mô liên kết như hội chứng Marfan... Một số trường hợp không có yếu tố nguy cơ nhưng vẫn mắc bệnh, trong đó khoảng 10% bệnh nhân có đột biến gene ACTA2.
Hầu hết bệnh nhân đều cần phẫu thuật cấp cứu hoặc bán khẩn, tùy từng trường hợp. Đa số người bệnh kèm theo suy tim, suy thận, suy gan nên ê kíp thường phải chạy đua với thời gian. Việc gây mê cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp có trụy tim mạch.
Thống kê trên các bệnh nhân phẫu thuật tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, độ tuổi trung bình là 57. Trong đó, bệnh nhân trẻ nhất mới 34 tuổi, lớn nhất là 97 tuổi. Bệnh nhân thường khởi phát bệnh đột ngột khi đang gắng sức hoặc trong cơn tăng huyết áp. Tất cả đều vào viện với các biểu hiện diễn tiến rất nhanh như đau ngực đột ngột và dữ dội, thở rất khó khăn, gần như không thở được. Nhiều người rơi vào trình trạng choáng, mất ý thức, mất tri giác, trụy tim mạch, chèn ép tim cấp, đang đi thì ngã quỵ. Hơn 86% các bệnh nhân này có tăng huyết áp, hơn 11% từng tai biến mạch máu não.
"Việc hồi sức sau mổ phình bóc tách động mạch chủ rất gian nan, tốn nhiều thời gian và bào mòn nhiều công sức của nhân viên y tế, thường phải phối hợp nhiều kỹ thuật", bác sĩ Thành nói. Các biến chứng thường gặp là chảy máu, suy tim, suy đa tạng, viêm phổi, thiếu máu tạng...
Bác sĩ khuyến cáo người trẻ tuổi, mắc bệnh lý tăng huyết áp và đau ngực, nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm phình động mạch chủ ngực nếu có, theo dõi và điều trị kịp thời. Kiểm soát tốt huyết áp, điều trị rối loạn lipid máu để phòng bệnh.