HealthViet - Thịt chế biến, nước có gas, đồ ngọt, rượu bia chứa nhiều natri, kali, đường có thể ảnh hưởng đến chức năng của thận và tăng lượng đường trong máu.

Lượng đường trong máu cao kéo dài dẫn đến làm hỏng các mạch máu, bao gồm mạch máu ở thận. Người bệnh tiểu đường, nhất là khi đang có vấn đề về thận nên ăn uống hợp lý, hạn chế các thực phẩm dưới đây để kiểm soát đường huyết tốt hơn, tránh nguy cơ biến chứng thận và có sức khỏe tốt.

Thịt chế biến

Thịt chế biến hoặc đồ ăn nhanh như thịt xông khói, xúc xích, thịt bò khô, thịt nguội, mì ăn liền... được làm bằng cách sấy khô, ướp muối, bảo quản hoặc hun khói để tăng hương vị, kết cấu và thời hạn sử dụng. Chúng thường chứa hàm lượng natri cao, không tốt cho người bệnh thận và tiểu đường. Lượng natri dư thừa có thể gây căng thẳng cho thận, dẫn đến huyết áp cao. Hàm lượng natri cao còn gây hại cho thận, khiến lượng đường trong máu tăng nhanh khi tiêu thụ.

Nước có gas

Cơ thể người tiểu đường thường khó loại bỏ lượng phốt pho dư thừa khỏi máu. Nồng độ phốt pho tích tụ trong máu cao kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, khiến xương yếu, nguy cơ tử vong sớm.

Nước có gas sử dụng phốt pho để ngăn đổi màu, kéo dài thời hạn sử dụng, tăng hương vị. Loại phốt pho này khác với phốt pho tự nhiên trong thực phẩm, được hấp thụ vào máu nhanh, dễ làm lượng đường trong máu tăng.

Rau và quả giàu kali

Thận của người tiểu đường thường không thể loại bỏ kali đúng cách, dễ làm tăng nồng độ kali trong máu. Tình trạng này có thể gây mệt mỏi, yếu cơ, các vấn đề về tim, thậm chí tử vong. Hạn chế trái cây và rau xanh chứa nhiều kali như chuối, bơ, kiwi, cam, rau chân vịt, khoai tây, khoai lang... để duy trì chế độ ăn uống thân thiện với thận và đường huyết.

Đồ ngọt

Đồ uống đóng chai như nước ép trái cây, nước ngọt và bánh kẹo nhiều đường chứa lượng đường bổ sung cao, có thể làm tăng đột biến lượng đường trong máu. Đường huyết cao trong thời gian dài dễ gây tổn thương thận, hệ thần kinh, tăng nguy biến chứng thận như suy thận.

Rượu bia

Thận có chức năng lọc máu, loại bỏ chất thải. Uống nhiều rượu bia làm giảm khả năng lọc máu, điều chỉnh chất lỏng và điện giải trong cơ thể. Đồ uống có cồn cũng gây mất nước, ảnh hưởng đến quá trình vận hành của các cơ quan khác, bao gồm cả thận. Rượu còn hạn chế tác dụng của một số loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường, giảm độ nhạy insulin.

0