HealthViet - Theo các nghiên cứu, nhóm máu A, B và AB có nguy cơ mắc ung thư dạ dày, phổi, vú và ung thư đại tràng.
Con người có 4 nhóm máu chính là A, B, AB và O. Nhóm máu dựa trên các kháng nguyên cụ thể, là phân tử kích thích phản ứng miễn dịch, nằm bên ngoài tế bào hồng cầu. Ví dụ, người mang nhóm máu B sẽ có kháng nguyên B trên các tế bào hồng cầu. Điều này có nghĩa cơ thể họ sẽ nhận ra các kháng nguyên B khác là an toàn, không phản ứng với chúng. Tuy nhiên, nếu cơ thể họ gặp phải kháng nguyên A, chẳng hạn từ máu được truyền, nó sẽ ngay lập tức coi tế bào đó như mầm bệnh và cố gắng tiêu diệt. Người mang nhóm máu AB có cả kháng nguyên A và B, người mang nhóm máu O không có kháng nguyên nào cả.
Nhóm máu là do di truyền, chúng bắt nguồn từ các biến thể của một gene, được gọi là ABO.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nhóm máu nhất định có liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, tim mạch và đột quỵ cao. Theo bác sĩ huyết học Raymond Comenzo, giáo sư tại Trường Y khoa Đại học Tufts, giám đốc Phòng thí nghiệm Ngân hàng Máu và Truyền máu tại Trung tâm Y tế Tufts, mối liên hệ này có thể mở đường cho những nghiên cứu sâu hơn về rủi ro của ung thư với các nhóm dân số khác nhau.
Nghiên cứu cho thấy người nhóm máu A có nguy cơ mắc một số loại ung thư dạ dày cao hơn. Nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter pylori phổ biến hơn ở những bệnh nhân có nhóm máu A. Những bệnh nhiễm trùng này có thể gây loét dạ dày, viêm, đôi khi dẫn đến ung thư, Comenzo cho biết. H. pylori cũng có thể làm tăng khả năng mắc ung thư tuyến tụy ở người có nhóm máu A, B và AB.
"Đối với bệnh nhân có nhóm máu A, B hoặc AB, gene ABO làm tăng nguy cơ mắc cả ung thư phổi, vú, đại trực tràng và ung thư cổ tử cung", giáo sư Comenzo nói.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa biết chính xác nguyên nhân của mối liên quan này.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nhóm máu A, B và AB còn làm tăng khả năng mắc bệnh tim, mạch vành, rối loạn đông máu, tỷ lệ cao hơn nhóm máu O. Đặc biệt, những người có nhóm máu AB nguy cơ cao nhất.
Nghiên cứu gần đây phát hiện người mang nhóm máu A có khả năng bị đột quỵ trước 60 tuổi cao hơn so với nhóm máu O. Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định nguyên nhân, song các chuyên gia cho rằng yếu tố đông máu có thể ảnh hưởng.
Trong nghiên cứu lớn về bệnh nhân châu Âu, phân tích cho thấy người mang nhóm máu O có nguy cơ tử vong do Covid-19 thấp hơn.
"Đây là dữ liệu từ trước khi có vaccine. Vì vậy, nhóm máu không phải yếu tố nguy cơ của bệnh này, rủi ro tương đối nhỏ", giáo sư Comenzo nói.
Hiểu được sự khác biệt giữa các nhóm máu giúp cải thiện công tác chẩn đoán và điều trị bệnh ở cấp độ dân số. Tuy nhiên, giáo sư Comenzo cho biết, mọi người không nên quá lo lắng về các rủi ro liên quan đến nhóm máu. Rất nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ hình thành một loại bệnh.
"Có nhiều cách để giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn tập thể dục, ăn uống lành mạnh, không hút thuốc và thay đổi lối sống", Comenzo cho biết.