Người bị mỡ máu cao cần tránh các loại thực phẩm nào?

HealthViet - Việc thực hiện một số thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm mỡ máu và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Mỡ máu cao là khi cơ thể có nhiều cholesterol hơn mức cần thiết, lúc này các vấn đề sẽ phát sinh. Cholesterol bắt đầu tích tụ trên thành động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Theo TS. Howard LeWine - bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Brigham and Women's ở Boston, Tổng biên tập Y khoa tại Harvard Health Publishing và tổng biên tập của Harvard Men's Health Watch, không phải tất cả các loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao đều có hại. Ví dụ, trứng có hàm lượng cholesterol tương đối nhưng trứng không làm tăng mức mỡ máu nhiều như chất béo bão hòa và trứng chứa nhiều protein cũng như các chất dinh dưỡng khác.

TS. Howard LeWine cho biết: Người bệnh mỡ máu cao cần quan tâm đến những thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa vì chúng có thể làm tăng mức cholesterol, góp phần gây tăng cân và dễ dẫn đến nguy cơ tim mạch.

Dưới đây là 5 loại thực phẩm cần tránh nếu bị mỡ máu cao:

1. Người mỡ máu cao nên hạn chế ăn thịt đỏ

Các loại thịt đỏ thường chứa nhiều chất béo bão hòa, không tốt cho người bệnh mỡ máu.

Thịt bò, thịt lợn và thịt cừu thường có hàm lượng chất béo bão hòa cao. Các loại thịt như thịt xay, sườn, sườn heo và thịt quay có hàm lượng chất béo cao nhất.

Khi bị mỡ máu cao, không cần phải kiêng thịt hoàn toàn, chỉ cần không ăn thường xuyên và chú ý tuân thủ giới hạn khẩu phần ăn theo khuyến nghị là 100g/ bữa và chỉ ăn các loại thịt nạc hơn như thăn lưng, thăn heo hoặc thăn bò.

Tốt hơn nữa, hãy thay thế thịt bằng các loại protein có ít chất béo bão hòa và cholesterol hơn như thịt gà không da hoặc ức gà tây, cá, đậu.

2. Thực phẩm chiên ngập dầu

Thực phẩm đã được chiên ngập dầu như cánh gà, thanh phô mai mozzarella và hành tây chiên giòn là những thực phẩm có hàm lượng cholesterol "nguy hiểm" nhất. Chiên ngập dầu làm tăng mật độ năng lượng hoặc lượng calo của thực phẩm.

Nếu bạn thích độ giòn của đồ chiên, hãy sử dụng nồi chiên không dầu và cho đồ ăn vào một ít dầu ô liu. Hoặc cũng có thể nướng các loại thực phẩm như khoai tây và thịt gà trong lò nướng cho đến khi món ăn có màu vàng nâu.

3. Thịt chế biến sẵn

Xúc xích, jambong và thịt xông khói sử dụng những phần thịt đỏ béo nhất, do đó có xu hướng chứa nhiều cholesterol và chất béo bão hòa. Thịt xông khói và xúc xích làm từ gà tây hoặc gà có vẻ lành mạnh hơn, chúng có hàm lượng cholesterol thấp hơn một chút so với các loại thịt đỏ nhưng vẫn chứa cholesterol. Do đó tốt nhất là nên thỉnh thoảng mới ăn.

4. Đồ ngọt 

Bánh quy, bánh ngọt và bánh nướng thường được làm bằng một lượng lớn bơ và shortening (một loại chất béo dạng rắn được sản xuất từ dầu thực vật như đậu tương, dầu hạt bông, còn được gọi là mỡ trừu), khiến chúng có hàm lượng cholesterol rất cao. Bạn không cần phải từ bỏ hoàn toàn món tráng miệng ngon ngọt, chỉ cần thay thế một vài nguyên liệu để được sản phẩm lành mạnh hơn. Khi nướng, hãy sử dụng sốt táo hoặc chuối thay cho bơ hoặc dùng sữa chua ít béo phủ quả mọng để tráng miệng.

5. Sữa béo

Trong khi sữa có thể là nguồn cung cấp canxi và vitamin D dồi dào, các loại sản phẩm sữa giàu chất béo như kem, phô mai và sữa nguyên chất có thể chứa nhiều chất béo bão hòa.

Tiêu thụ những thứ này quá mức cũng có thể góp phần làm tăng mức cholesterol xấu. Người bệnh mỡ máu nên chuyển sang các lựa chọn sữa ít béo hoặc không béo có thể giúp duy trì mức cholesterol khỏe mạnh mà không làm mất đi dinh dưỡng.

0