HealthViet - Tôi ăn uống lành mạnh, tránh đồ chiên xào, tập thể dục đều đặn nhưng vì sao vẫn bị rối loạn mỡ máu? Bệnh này có điều trị được không?

Rối loạn mỡ máu (máu nhiễm mỡ hay rối loạn lipid máu) là tình trạng bất thường của lipid trong máu như mức LDL-C (cholesterol xấu) hoặc Triglyceride quá cao, mức HDL-C (cholesterol tốt) quá thấp. Lipid máu bình thường cần thiết cho sự sống nhưng khi vượt quá nhu cầu của cơ thể sẽ gây hại. Tình trạng này dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc động mạch chi dưới, các bệnh động mạch chủ.

Thực tế nhiều người ăn chay thường xuyên, tập thể dục hàng ngày hoặc kiêng mỡ động vật, ít ăn thực phẩm chiên xào... nhưng vẫn bị rối loạn mỡ máu. Nguyên nhân có thể do yếu tố di truyền hoặc rối loạn chuyển hóa. Bạn có nguy cơ bị rối loạn mỡ máu nguyên phát nếu có bố hoặc mẹ mắc bệnh này. Dạng tăng cholesterol máu di truyền phổ biến nhất có tên gọi tăng cholesterol máu gia đình dị hợp tử (FH). Những trường hợp có người thân bị cholesterol cao hoặc nhồi máu cơ tim trước 55 tuổi (nếu ở nam) và 65 tuổi (ở nữ), trẻ em, thanh thiếu niên nên được kiểm tra FH.

Ngoài yếu tố di truyền, các nguyên nhân góp phần gây rối loạn mỡ máu thứ phát gồm tiêu thụ nhiều calo, chất béo bão hòa, cholesterol, chất béo chuyển hóa, dùng nhiều đồ uống chứa cồn và chất kích thích. Người thừa cân béo phì, mắc các bệnh lý thận mạn tính, đái tháo đường, suy giáp, xơ gan - ứ mật nguyên phát, các bệnh gan ứ mật khác cũng có nguy cơ cao.

Người sử dụng những loại thuốc như thiazid, retinoid, các thuốc kháng retrovirus hoạt tính cao, cyclosporine, tacrolimus, estrogen và progestin, glucocorticoid... cũng dễ mắc bệnh. Hút thuốc lá và các chế phẩm từ thuốc lá, mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hội chứng Cushing, hội chứng ruột kích thích (IBS); hội chứng suy giảm miễn dịch ở người HIV và hội chứng thận hư cũng là nguyên nhân. Do đó, dù bạn duy trì chế độ ăn uống, tập luyện lành mạnh nhưng nếu có một trong các yếu tố nguy cơ kể trên thì vẫn có khả năng bị rối loạn mỡ máu.

Điều trị rối loạn mỡ máu phụ thuộc vào nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bên cạnh uống thuốc, người bệnh cần kết hợp phương pháp điều trị tại nhà như bỏ hút thuốc lá và các chất gây nghiện, tránh hít khói thuốc, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, tránh căng thẳng, làm việc quá độ.

Người bệnh cần tăng cường thực phẩm dinh dưỡng, lành mạnh cho bữa ăn hàng ngày, hạn chế uống rượu bia, nước ngọt, nước tăng lực, duy trì cân nặng ổn định, tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, tập yoga... Hạn chế ăn thịt đỏ, mỡ động vật, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, sử dụng thuốc đúng theo đơn bác sĩ kê, tái khám định kỳ theo lịch hẹn.

Để tầm soát bệnh, người khỏe mạnh nên xét nghiệm cholesterol ít nhất mỗi năm một lần. Người bệnh đái tháo đường, bệnh thận mạn, hội chứng chuyển hóa, tăng huyết áp, suy tuyến giáp, bệnh gan mạn tính, thừa cân - béo phì... nên kiểm tra cholesterol mỗi ba tháng. Nếu bệnh sử gia đình ghi nhận mắc cholesterol cao, thế hệ sau cần chủ động khám sức khỏe định kỳ nhằm sớm phát hiện bệnh.

0