HealthViet - Bà Vân, 74 tuổi, đang trông cháu thì ngã, méo miệng, không nói được, liệt nửa người bên phải, gia đình gọi tổng đài 115, bác sĩ đến tận nhà cấp cứu.
Ngày 5/6, BS.CKII Trần Lê Thanh Tâm, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đội cấp cứu ngoại viện đã đến sơ cứu, đánh giá nhanh tình trạng và chuyển bà Vân vào viện, đồng thời báo khẩn cho các liên chuyên khoa Cấp cứu, Thần kinh, Chẩn đoán hình ảnh, Can thiệp mạch máu khởi động sẵn quy trình Code Stroke (xử trí đột quỵ cấp), sẵn sàng tiếp nhận người bệnh.
Bà Vân nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện Tâm Anh trong tình trạng lơ mơ, sức cơ bên phải bất động, thang điểm 0/5.
Kết quả chụp CT sọ não cho thấy bà Vân bị nhồi máu não cấp giờ thứ hai tính từ khi có triệu chứng đột quỵ, còn trong khung giờ "vàng". Do đó, bác sĩ dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (rTPA) ngay tại phòng chụp CT. Song song đó, chụp CT mạch máu não ghi nhận tắc động mạch não giữa bên trái đoạn M1. Đây là mạch máu lớn, huyết khối lớn nên người bệnh phải được can thiệp nội mạch lấy huyết khối.
Các bác sĩ dùng dụng cụ siêu nhỏ, luồn vào mạch máu, tiếp cận vị trí tắc nghẽn trên não và lấy cục huyết khối ra ngoài, tái thông mạch máu. Bà Vân được chuyển lên Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) tiếp tục theo dõi sát theo quy trình điều trị sau can thiệp. Một ngày sau, người bệnh hồi phục rõ rệt, sức cơ cải thiện 4/5, tự đi lại được.
"Do tổn thương vùng ngôn ngữ của não nên khả năng ngôn ngữ của bệnh nhân cải thiện chậm hơn", bác sĩ Tâm nói. Bà cần phải tiếp tục tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng về vận động và ngôn ngữ, tầm soát các yếu tố nguy cơ, điều trị phòng ngừa bệnh tái phát.
Theo bác sĩ Tâm, thuận lợi của ca cấp cứu này là người bệnh được cấp cứu trong thời gian "vàng", có sự phối hợp kịp thời giữa lực lượng 115 và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Yếu tố quan trọng khác là người nhà nhanh chóng gọi cấp cứu, đồng ý các chỉ định của bác sĩ. Sự phối hợp chặt chẽ và nhanh chóng giữa các bên đã rút ngắn thời gian, giúp người bệnh được can thiệp sớm, đạt hiệu quả cao.
Đột quỵ cấp là tình trạng khẩn cấp. Người bệnh được phát hiện sớm, chuyển viện đúng và can thiệp càng sớm càng tốt giúp tăng khả năng cứu sống và hạn chế tối đa tổn thương não gây tàn phế. Trong 4,5 giờ đầu tiên sau khi đột quỵ xảy ra là thời điểm tốt nhất để thực hiện cấp cứu đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, theo bác sĩ Tâm. Sau 6 giờ và có thể mở rộng hơn 24 giờ, tùy trường hợp, kỹ thuật cấp cứu đột quỵ thường là can thiệp mạch, phẫu thuật.