HealthViet - Anh Chinh, 48 tuổi, sưng đau chân trái ba tháng nay, bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng May-Thurner khiến nhiều huyết khối hình thành trong tĩnh mạch đùi.

Anh Chinh sưng vùng khoeo đùi trái, bác sĩ một bệnh viện ở TP HCM chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch khoeo trái, không tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Anh thuốc kháng đông 1,5 tháng, chân giảm sưng thì tự ý ngưng thuốc. Hơn một tháng sau, tình trạng tái phát kèm đau nhức, hạn chế vận động, khó ngủ.

Ngày 1/8, BS.CKI Nguyễn Thị Lệ Chi, khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết triệu chứng của bệnh nhân gợi ý bệnh tĩnh mạch chi dưới. Người bệnh có nhiều huyết khối trong lòng tĩnh mạch kéo dài từ tĩnh mạch khoeo lên tĩnh mạch chậu chung bên trái. Bác sĩ kết luận anh mắc hội chứng May-Thurner, tức tình trạng động mạch chậu chung bên phải chèn ép tĩnh mạch chậu chung trái, làm gián đoạn lưu lượng máu bình thường từ chân trái về tim.

Trường hợp anh Chinh, bệnh gây tắc hoàn toàn tĩnh mạch chậu chung trước chỗ đổ vào tĩnh mạch chủ dưới. Đây là tác nhân chặn gần hết dòng máu qua tĩnh mạch, khiến máu không thể trở về tim, ứ đọng lại hình thành nhiều huyết khối gây sưng phù chân trái, theo bác sĩ Chi.

Ảnh tĩnh mạch chậu chung bên trái bị đè xẹp bởi động mạch chậu bên phải lên đốt sống thắt lưng. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Ảnh tĩnh mạch chậu chung bên trái bị đè xẹp bởi động mạch chậu bên phải lên đốt sống thắt lưng.

BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đối với hội chứng May-Thurner, điều trị nội khoa với thuốc kháng đông giúp giảm triệu chứng bệnh nhưng có nguy cơ tái phát rất nhanh, nặng hơn. "Giải pháp hiệu quả nhất là can thiệp tái thông tĩnh mạch chậu bị tắc nghẽn, giúp chân trái bệnh nhân trở lại bình thường", bác sĩ Hoài nói.

Anh Chinh được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết qua ống thông (catheter) để tan bớt huyết khối, thuận lợi để can thiệp tái thông mạch máu. Đầu tiên, bác sĩ hút sạch huyết khối còn sót lại. Tiếp đến, bác sĩ đưa bóng vào nong rộng lòng tĩnh mạch, đặt stent đường kính 12x80 mm tại vị trí tắc nghẽn. Nhờ sự trợ giúp của hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS), bác sĩ quan sát kỹ cấu trúc mạch máu để thao tác chuẩn xác.

Anh hồi phục nhanh sau can thiệp với vết chọc kim rất nhỏ, chỉ 2-3 mm, chân trái bằng chân phải, hết đau nhức. Anh đi lại bình thường, xuất viện ba ngày sau đó.

Bác sĩ Chi cho biết chèn ép tĩnh mạch chậu là bệnh phổ biến ở tuổi 20-50. Tuy nhiên, nhiều người không phát hiện bệnh do hội chứng May-Thurner hầu như không có triệu chứng. Hiện, không thể ngăn ngừa tuyệt đối hội chứng May-Thurner, nhưng có thể cải thiện lưu thông máu và giảm nguy cơ đông máu bằng cách tránh đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài. Người bệnh nên uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, kiểm soát bệnh đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại vi, mang vớ tĩnh mạch...

Khi xuất hiện dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch như nặng chân, sưng phù, loét da, đau nhức, giãn tĩnh mạch chân... người bệnh cần đi khám sớm.

0