HealthViet - Bé gái 7 tuổi suy tim giai đoạn cuối, sự sống chỉ tính theo tháng, được các bác sĩ ghép thành công trái tim của một người chết não.

Ca ghép được tiến hành tại Bệnh viện Việt Đức cách đây ba tuần, là ca ghép tim cho trẻ em thứ 10 tại viện này trong 32 năm.

Bé được chẩn đoán cơ tim giãn từ ba năm trước, điều trị bảo tồn bằng thuốc đặc hiệu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Gần đây tình trạng suy tim tiến triển nhanh và nặng, ít đáp ứng với thuốc, giải pháp cuối cùng là ghép tim. Do suy tim giai đoạn cuối, bé khó thở, chỉ sinh hoạt tại giường bệnh. TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết nếu không được ghép tim, cơ hội sống sau một năm cho bé là rất thấp.

Mỗi năm cả nước chỉ có vài trường hợp chết não hiến tạng, cơ hội tìm người hiến tạng phù hợp để ghép tim cho trẻ em rất khó khăn. May mắn, lần này các chỉ số tạng của người hiến chết não và bé gái hoàn toàn phù hợp. Người hiến là người trưởng thành, có chỉ số cơ thể lớn hơn 3,5 lần so với bệnh nhi.

"Sự chênh lệch quá cao về chỉ số cơ thể mang lại nhiều khó khăn về phẫu thuật và hồi sức sau ghép, là thách thức với các trung tâm ghép trong nước và trên thế giới", bác sĩ Hùng nói. Với kinh nghiệm ghép tim 9 trường hợp trẻ em trước đó, các bác sĩ vạch kế hoạch ghép tim cho bé và đưa ra phác đồ điều trị tích cực sau ghép.

Một tuần sau, cơ thể của bé dần thích nghi với trái tim mới. Sau ba tuần phẫu thuật, bé hồi phục tốt, được ra viện.

Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo do mô tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc...

Tính đến đầu năm nay, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, các bệnh viện cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép. Trong đó, khoảng 80 ca ghép tim thành công, chủ yếu tiến hành ở Bệnh viện Việt Đức

Hiện, gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.

0