HealthViet - Anh Phúc, 44 tuổi, khó chịu ở ngực, đau âm ỉ 15 phút rồi hết, bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim không có triệu chứng điển hình, tắc mạch máu chính nuôi tim.

Ngày 21/6, BS.CKI Lê Văn Tuyến, Trung tâm Can thiệp Mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân không có triệu chứng đau ngực hay khó thở, không hút thuốc lá, tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, ít vận động. Kết quả siêu âm tim không phát hiện bất thường. Đo điện tâm đồ không ghi nhận dấu hiệu nhồi máu cơ tim rõ rệt.

Tuy nhiên, xét nghiệm men tim tăng cao cộng thêm cơn tức ngực âm ỉ đã có trước đó, bác sĩ Tuyến khẳng định bệnh nhân gặp tình trạng nhồi máu cơ tim kín đáo (còn gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng) gây hoại tử một phần cơ tim. Hai nhánh mạch máu chính nuôi tim của người bệnh là động mạch liên thất trước và động mạch mũ tắc hoàn toàn.

BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp Mạch, Trung tâm Tim mạch, cho biết nhồi máu cơ tim thầm lặng chiếm 45% các cơn nhồi máu cơ tim, xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Tình trạng này xảy ra khi một hoặc nhiều nhánh động mạch vành bị tắc hẹp, làm lưu lượng máu giàu oxy đi nuôi dưỡng cơ tim giảm thấp.

"Đây là nguyên nhân dẫn đến số người tử vong do thiếu máu cơ tim thầm lặng cao gấp ba lần bệnh nhân thông thường", bác sĩ Long nói. Trường hợp sống sót cũng để lại nhiều di chứng nặng nề.

Động mạch liên thất trước và động mạch mũ bị cắt đứt dòng máu nuôi tim (hình A) và sau khi được can thiệp tái thông (hình B). Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Động mạch liên thất trước và động mạch mũ bị cắt đứt dòng máu nuôi tim (hình A) và sau khi được can thiệp tái thông (hình B). Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Anh Phúc được can thiệp nong mạch đặt stent để tái thông dòng máu nuôi tim trong 60 phút. Ê kíp đưa dây dẫn qua nhánh mạch vành bị tắc, dùng bóng nong tái thông dòng chảy, kết hợp với siêu âm trong lòng mạch (IVUS) để đặt hai stent kích thước 4 mm vào hai nhánh mạch vành. Bệnh nhân tỉnh táo, sinh hoạt bình thường ngay sau can thiệp, xuất viện một ngày sau đó.

Các bác sĩ đặt stent vào động mạch vành trái, khôi phục dòng máu đến tim cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Các bác sĩ đặt stent vào động mạch vành trái, khôi phục dòng máu đến tim cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bệnh nhân Phúc mắc bệnh đái tháo đường và ít vận động là hai trong số các yếu tố nhồi máu cơ tim ở người trẻ. Ngoài ra các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, cholesterol cao.

Dù không có biểu hiện triệu chứng điển hình nhưng người bị nhồi máu cơ tim thầm lặng có cảm giác mệt mỏi như mắc cúm, đau cơ ở ngực hoặc lưng trên, đau ở hàm và cánh tay, khó tiêu.

Bác sĩ Tuyến khuyến cáo tầm soát và khám tim mạch định kỳ để phòng tránh nhồi máu cơ tim cấp. Lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, năng vận động, ăn thực phẩm tốt cho tim, kiểm soát bệnh lý nền... cũng giúp giảm nguy cơ. Sơ cấp cứu đúng cách cho người bệnh nhồi máu cơ tim, nhanh chóng đưa đến bệnh viện là yếu tố hàng đầu ngăn biến chứng nguy hiểm.

0